"Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư”
Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng hiệu quả hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là 1 trong 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024. Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xác định đúng vai trò, vị trí của Ban Công tác Mặt trận trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua ở địa phương. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 397 Ban Công tác Mặt trận khu dân cư; với sự tham gia của 2.779 thành viên; (Trong đó có 325 Trưởng Ban công tác Mặt trận chuyên trách chiếm 81.86%; có 49 Trưởng Ban Công tác Mặt trận do Bí thư Chi bộ kiêm nhiệm chiếm 12,34%; có 14 Trưởng Ban công tác Mặt trận do Trưởng thôn, khu phố kiêm nhiệm chiếm 3.5% và 9 Trưởng ban Công tác do chức danh khác kiêm nhiệm chiếm 2.27%). Với tuổi đời dưới 40 tuổi có 117 vị, từ 40-50 tuổi có 71 vị, trên 50 tuổi có 208 vị; về trình độ có 94/397 vị có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 142/397 vị có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên (đặc biệt có 3 vị trình độ trên đại học; 4 vị trình độ cao cấp lý luận chính trị). Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng kỹ năng nghiệp vụ của Trưởng ban Công tác Mặt trận thông qua việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng trang bị tài liệu…
Để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hiến kế các biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động này, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư”.Qua tham luận và qua thực tiễn hoạt động cho thấy vai trò, vị trí của Ban công tác Mặt ở khu dân cư vốn đã quan trọng lại càng quan trọng hơn trong giai đoạn hiện nay; những thành quả mà Ban công tác Mặt trận đạt được là rất đáng trân trọng và rất đỗi tự hào, không to tác lớn lao, rất bình thường giản dị nhưng đi vào lòng dân, đi vào cuộc sống, là cầu nối vững chắc để đưa ý Đảng vào lòng dân, là kênh truyền tải thông tin từ chính quyền đến mọi người dân một cách nhẹ nhàng, sâu sắc thông qua giao tiếp gần gũi, thân thiện, lắng nghe và thấu hiểu; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, qua đó sớm điều chỉnh những suy nghĩ, lệch lạc, tiêu cực, định hướng được dư luận xã hội, giúp củng cố niềm tin, nâng cao nhận thức trong nhân dân, hạn chế tối đa vi phạm tai tệ nạn xã hội trong cộng đồng.
Đánh giá cao phương thức hoạt động hiệu quả của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong thời gian qua, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, đề ra nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện: trực tiếp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và các phong trào, cuộc vận động do các ngành, đoàn thể phát động; thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân khu dân cư với Cấp ủy chi bộ và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tham gia vào Ban giám sát đầu tư ở cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, nhóm nòng cốt ở khu dân cư; tổ chức giám sát và động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức Nhà nước theo Hiến pháp, Điều lệ MTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của địa phương; phối hợp với Ban quản lý thôn, các chi hội đoàn thể tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và thực hiện quy chế dân chủ, hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư, trong đó tập trung xây dựng, bổ sung, điều chỉnh quy ước, hương ước ở thôn, khu dân cư.
Qua hoạt động, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng như: Phan Rang - Tháp Chàm - mô hình “camera phòng chống tội phạm; mô hình “KDC sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, văn minh” ; “Tuyến phố văn minh”; thôn Quán Thẻ - Phước Minh, Thuận Nam - mô hình làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ở địa phương “Nghe dân nói, nói dân nghe”; xã Hoà Sơn, Ninh Sơn - mô hình “Khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; Nha Hố, xã Nhơn Sơn- mô hình “Phát huy vai trò vận động bà con phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo “lấy sức dân để hỗ trợ cho dân”; tổ tự quản về an ninh trật tự; tổ tự quản về môi trường; tổ tự quản tăng cường công tác hòa giải; tổ giám sát cán bộ Đảng viên về tư tưởng, đạo đức lối sống”; thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, Ninh Phước - mô hình “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”,; thôn Rã Giữa, xã Phước Trung Bác Ái - mô hình “Khu dân cư không có tội phạm”, “nếp sống văn minh trong cưới, lễ hội, xoá bỏ phong tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; thôn An Xuân 3, xã Xuân Hải Ninh Hải - mô hình “Gần dân, sát dân, hiểu dân, lắng nghe dân”, tăng cường đoàn kết, tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế và nhiều mô hình hiệu quả khác được nhân rộng tại địa phương.
Với những kết quả đạt được của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, vượt qua khó khăn, phát huy dân chủ và nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh của các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư còn những hạn chế, khó khăn đó là :Công tác tham mưu cho chi ủy chi bộ lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động ở một số nơi còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa chủ động.Một số Trưởng Ban công tác Mặt trận chưa thực sự sát dân, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân để nắm bắt, xử lý, kiến nghị và phối hợp giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chưa rút kinh nghiệm một số hoạt động nên hiệu quả chưa cao
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở một số khu dân cư hiệu quả chưa cao, chưa có chiều sâu, còn mang tính chung chung, hình thức; công tác nắm bắt tình hình nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa sát dân, gần dân. Công tác giám sát chỉ dừng lại ở mức độ “theo dõi - phát hiện”, nội dung kiến nghị còn chung chung, chưa cụ thể, chưa theo sát việc giải quyết của các cơ quan liên quan đến nội dung đã kiến nghị, nên hiệu quả công tác giám sát chưa cao. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng một số nơi chưa được phát huy.Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Ban công tác Mặt trận chưa cao, không đồng đều; chế độ sinh hoạt phí đối với Trưởng Ban công tác Mặt trận còn thấp, chưa phù hợp từ đó không khuyến khích được Trưởng ban tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực, nhiệt huyết công tác; kinh phí hoạt động cho Ban công tác Mặt trận ở một số địa phương chưa được quan tâm.
Qua đó đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Ban công tác Mặt trận khu dân cư trong thời gian tới.
1. Tiếp tục nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Ban công tác Mặt trận
Cùng với việc tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị quyết và Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp cần quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, là tổ chức phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận, trực tiếp tập hợp, đoàn kết, vận động mọi người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng chi bộ, Đảng và chính quyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với cán bộ Ban công tác Mặt trận.
Cán bộ và công tác cán bộ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Do vậy cần tranh thủ và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác cán bộ Mặt trận và hoạt động của Ban công tác Mặt trận, tiếp tục đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong điều kiện mới, tạo điều kiện để phát huy và nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và nhân dân; tạo điều kiện cho Mặt trận chủ động làm tốt hơn vai trò trung tâm, là cầu nối vững chắc để đưa ý Đảng vào lòng dân, đưa các phong trào thi đua, các hoạt động của Mặt trận tới nhân dân.
3. Về tổ chức hoạt động của Ban công tác Mặt trận
Củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đảm bảo số lượng, đảm bảo cơ cấu thành phần Ban Công tác Mặt trận theo quy định.
Xây dựng quy chế hoạt động của Ban công tác Mặt trận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; duy trì họp thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết.
Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban công tác Mặt trận để triển khai các phong trào thi đua một cách linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương để thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia
Chủ động nắm chắc tình hình nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ; thường xuyên “gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin” tạo nên sự thống nhất giữa “ý Đảng lòng dân”, tăng cường đoàn kết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho nhân dân”, lấy đoàn kết để phát huy sức mạnh của mọi tổ chức và cá nhân, lấy việc động viên, thực hiện dân chủ và công khai, minh bạch ở cộng đồng dân cư làm phương châm hành động.
4. Bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về công tác Mặt trận
Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, tình hình mới cho cán bộ, với nhiều nội dung như: các chủ trương, chương trình hành động của Ban Thường trực gắn với các báo cáo chuyên đề thực tế; những mô hình và cách làm hay; các điển hình tiên tiến của địa phương và thông qua rèn luyện từ thực tiễn công tác.
Đổi mới phương thức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận nhất là những vị mới tham gia bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thi Trưởng Ban công tác Mặt trận giỏi các cấp; giao lưu, học tập chia sẻ kinh nghiệm...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động một cách phù hợp và an toàn.
5. Chế độ chính sách đối với Ban công tác Mặt trận và Trưởng ban công tác Mặt trận
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền quan tâm chế độ phụ cấp đối với Trưởng Ban Công tác Mặt trận và kinh phí hoạt động của Ban công tác Mặt trận phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương để động viên cán bộ nhiệt tình gắn bó với công tác Mặt trận lâu dài, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động của hệ thống Mặt trận. Đây là yếu tố quan trọng tác động đến kết quả hoạt động của Mặt trận, nhất là yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay
6. Chú trọng công tác khen thưởng, biểu dương kịp thời những gương điển hình và nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt tại địa phương.
Phạm Sen